Giữa đường, vào app, bắt Grab. Xin chị chủ quán đứng nhờ tránh nắng chờ xe. Chiếc AB còn khá mới đen bóng chạy đến đậu trước cửa. Bác tài trùm kín từ trên xuống như ninja, hỏi về Hồ Văn Huê phải không. Tui kêu phải, kiểm tra số xe khớp với app, đội nón, bay lên yên sau ngồi, xe chạy.
Chạy xe giữa trưa trời nắng, đường bụi, mà thấy bác tài có vẻ lạnh lạnh, nên lúc đầu tính ngồi im luôn. Cơ mà xe chạy được khoảng 500m, cảm thấy cái không khí im lặng này khá ngột ngạt, tui chủ động bắt chuyện:
– Cái nón Grab của anh có vẻ xịn hơn của mấy bác tài khác. Em đi xe bữa giờ thấy toàn nón nửa đầu, ít thấy nón nguyên đầu như của anh.
– Ừ em, anh bỏ thêm ít tiền mua nón xịn của Grab luôn.
– Yeah, nhìn đẹp mà, với lại cũng an toàn hơn cho anh. An toàn của bản thân trên hết.
– Đúng rồi, mình phải biết yêu thương, bảo vệ mình trước tiên. Với lại cái nón này hắn làm hay, có lỗ thông gió ở trên, đội bịt kín hết đầu mà vẫn thoáng mát.
– Bộ đồ anh mặc nhìn cũng mới và đẹp hơn nhiều anh Grab khác.
– Anh mua nguyên gói đồ mới luôn em. Tốn cũng hơn bốn trăm mấy. Mà mình xác định mặc làm dịch vụ, mặc lâu dài với lại mặc tươm tất chút khách cũng thích hơn.
– Grab sẽ rất thích những bác tài như anh đó.
– Cảm ơn em.
– Sáng giờ anh chạy được bao nhiêu cuốc xe rồi.
– Đến cuốc này là tầm mười bảy mười tám cuốc á em.
– Wow, ấn tượng thế. Sáng anh chạy từ mấy giờ?
– Sáng anh bắt đầu nhận khách từ 7h30, chạy đến khoảng 6h00 tối anh về. Ngày cũng được khoảng hai lăm, hai sáu cuốc.
– Ngày chạy vậy thì tháng thu nhập khá không anh?
– Chịu khó chạy không bỏ khách cũng khoảng 12-15 triệu em à.
– Vậy cũng đỡ anh hè.
– Ừ em…
Xong rồi anh ấy chủ động kể về chuyện nghề Grab của mình, về đủ các tình huống trớ trêu, về đủ các dạng khách gặp phải. Nghe thấy vui, cứ thế, bác tài và khách chuyện trò vui vẻ như người quen. Rồi đến một đoạn, anh Grab có vẻ trầm ngâm:
– Khách anh chở có mấy người trẻ trẻ mà đi xe ngộ lắm em. Họ bắt xe từ mấy tòa nhà lớn, rồi lên xe tỏ vẻ này nọ. Mà nhìn tuổi, nghe cách nói chuyện và cư xử anh đoán cao lắm cũng chỉ trưởng, phó phòng là nhất.
Tới ngang đoạn này cảm thấy bác tài có cái nhìn khá thú vị, tui hỏi tiếp:
– Tại sao anh nghĩ thế?
– Vì những người làm sếp, làm lãnh đạo họ sẽ có cái tầm khác, và họ cư xử biết người biết ta hơn, khiêm tốn, không tỏ vẻ ta đây một cách thô thiển như thế.
Trực giác mách bảo lai lịch của anh Grab có chút không tầm thường, tui hóng chuyện tiếp:
– Anh chạy Grab lâu chưa? Nghe cách anh trò chuyện em cảm thấy anh cũng là người đặc biệt lắm á, không giống các bác tài khác.
– Không biết sao chở em mà nói chuyện nhiều vậy nữa. Lâu lắm rồi anh cũng không kể với ai nhiều như thế….Anh chạy Grab được gần 6 tháng em à. Cũng nhiều chua xót lắm.
– Dạ, mỗi nghề đều có sự khó khăn riêng. Chạy Grab thì cả ngày bán mặt cho đất cho trời, cực khổ chiều khách, và cũng có mấy phần nguy hiểm nữa, anh hè.
– Ừ. Thêm nữa, ngày xưa mình một bước lên ô tô, một bước xuống xe có người che ô theo vào đến cổng. Giờ lại chạy xe máy chở người ta đi đây đi đó, nhận từng mấy chục ngàn đồng. Nghĩ cuộc đời lên voi xuống chó thấy nó cứ đắng lòng.
– Ồ, vậy trước đây anh làm gì?
– Hồi trước anh có công ty riêng ở Vũng Tàu. Cũng có chút thành tựu, trụ sở cũng mấy tầng như ai. Rồi năm trước anh bị thua lỗ, phá sản, nợ chồng chất, phải giải tán hết nhân viên, bỏ xứ, về SG bắt đầu lại để kiếm tiền nuôi thân và trả nợ dần.
– Chắc anh sốc lắm nhỉ. Em nghe cũng thấy buồn lây, cơ mà lại thấy anh hay.
– Anh hay sao em?
– Hay là anh vẫn bỏ qua được quá khứ huy hoàng qua một bên để kiên trì bắt đầu lại từ công việc lặng thầm này.
– Haha, bữa mấy thằng nhân viên hỏi thăm giờ sếp sao rồi. Anh bảo tao chạy Grab ở SG mà tụi hắn không dám tin.
– Ồ, anh được quá. Không phải ai từng làm sếp cũng dũng cảm đối diện với hiện thực khó khăn của mình, và còn nói ra được với nhân viên cũ một cách không tránh né vậy. Nhiều người ở đỉnh cao lâu khi đột ngột rớt xuống đáy, họ đã chọn cách trốn chạy, thậm chí không ít người đã chọn cái chết như một sự giải thoát.
– Em ơi, ngày đó anh cũng đã viết thư tuyệt mệnh, lên cầu SG chuẩn bị nhảy rồi á. Mà rồi nghĩ lại, mình chết rồi sướng mỗi thân mình, chớ nợ nần còn đó, cha mẹ vợ con còn đó, ai phải chịu trách nhiệm thay mình? Mình làm, mình chịu. Nghĩ vậy nên quyết định sống tiếp đó em.
Rồi anh kể chuyện vay tiền mua con xe đang chạy ra sao. Đối diện với bà con, xóm giềng thế nào khi họ thấy ông Giám đốc phong độ lịch lãm xe hơi bóng loáng ngày nào nay chạy Grab,…
Chuyện cứ thế kéo dài cho đến khi tui đến nơi. Xuống xe, trả nón, trả tiền xong, tui cảm ơn. Định đi vào trong thì nghĩ thế nào quay lại nói với ảnh:
– Anh nè, anh cứ tự tin bắt đầu lại đi. Em tin anh có thể giải quyết được mọi khó khăn và xây dựng lại được sự nghiệp của mình.
– Còn kịp không em? Anh đã gần 50 rồi.
– Trên thế giới thiếu gì những người bắt đầu khởi nghiệp ở tuổi 60, 70, 80 đâu anh. Anh còn trẻ chán.
– Tại sao em nghĩ anh làm được?
– Vì anh là người có bản lĩnh, có chí khí. Không phải ai cũng đủ dũng khí và trách nhiệm để lựa chọn Sống thay vì trốn chạy bằng cái chết, cũng không phải ai cũng mạnh mẽ đối diện với thất bại ở hiện tại của mình, đối diện với những nhân chứng một thời vàng son của mình. Em có niềm tin rằng anh sẽ còn làm được rất nhiều điều. Đừng nản chí, anh nhé!
– Em tin vậy sao?
– Em không có lý do gì tốn thời gian quay lại để nói một chuyện em không tin tưởng với một người lạ. Em hy vọng lần sau nếu anh và em có duyên gặp lại, anh sẽ ở một tâm thế khác, một vị trí khác xứng đáng với anh hơn.
– Vậy anh cũng sẽ tin tưởng vào bản thân mình. Và anh hy vọng sẽ còn gặp lại em, và chứng minh cho em thấy em không tin nhầm người.
– Yeah, có duyên sẽ gặp lại. Chào anh hen.
Tui nói rồi quay lưng đi vào trong. Anh Grab nói với theo:
– Đồng ý. Hẹn gặp lại em, cô gái đặc biệt!
HCM, 17.12.2019