Nhân ngày Halloween, viết vài chuyện nhỏ nhỏ về “ma quỷ” mình đã từng gặp, từng thấy, từng nghe đây đó, đó đây trong nghề mấy năm qua 🙂
Con ma 1: Kẻ trung gian lắm chiêu.
Một bên là công ty, một bên là báo chí. Con ma nói với công ty rằng muốn xây dựng quan hệ với báo chí thì phải cần bồi dưỡng này nọ. Thế là công ty chi. Con ma bỏ túi và báo cáo đã gửi biếu phóng viên.
–> Hệ quả: công ty mất tiền, quan hệ báo chí chẳng thấy đâu mà còn làm phóng viên không vui vì có giúp đỡ công ty này kia mà mãi không thấy gì. Lãnh đạo thì nghĩ rằng phóng viên được chăm sóc thì đã người nhà nên đụng cái là chuyển bài nhờ phóng viên hỗ trợ. Phóng viên thì giúp một hai lần đầu xã giao, mấy lần sau thì chán đời nên chẳng thèm chơi, buồn buồn đi tâm sự với thêm vài người bạn trong nghề. Thế là “tiếng lành” của doanh nghiệp đồn xa…
Con ma 2: Thầy phù thủy ma quỷ.
Sở dĩ được gọi là thầy phù thủy bởi họ có một thứ công cụ đặc biệt tên gọi là “ngòi bút”. Muốn nói hay họ sẽ vẽ vời, muốn chê bai họ sẽ bôi nhọ. Thích thì cho vài dòng ve vuốt, muốn chơi nhau thì chỉ cần đâm chọt một câu cũng đủ để thanh danh thảm bại, cổ phiếu công ty rớt giá. Thầy phù thủy ỷ có công cụ trong tay lâu lâu lại để cảm xúc chi phối. Công ty chỉ cần khiến phù thủy mất lòng thì buồn buồn phù thủy sẽ lấy một thông tin đâu đó ra đo gan doanh nghiệp kiểu như sự cố trùng tên công ty, tin xấu về các vi phạm “nghe đồn” của doanh nghiệp,… xem công ty phải chộn rộn đi đính chính tin tức ra sao, thị trường ồn ào thế nào.
–> Hệ quả: Nhắc đến nghề viết lách, nhiều người (đặc biệt là người trẻ, người mới) bắt đầu nghĩ lệch lạc, làm lệch lạc: muốn viết sao thì viết, viết không cần đúng sự thật, viết theo kiểu thị trường để câu khách, viết để moi tiền doanh nghiệp, viết để giang hồ biết mức-độ-nguy-hiểm của mình… mà quên đi cái câu “văn là người”, quên đi thứ trách nhiệm đặt lên vai người viết nó lớn lắm bởi văn chương là liều thuốc của tâm hồn, ngòi bút là sức mạnh của công luận.
Con ma 3: Gián điệp hai mang.
Gọi họ là gián điệp hai mang bởi xét cho cùng thật sự chẳng thể biết được họ thuộc phe nào. Phe nào họ cũng ghi điểm. Để lấy sự tín nhiệm của công ty họ kể lể những mối quan hệ họ biết trong báo giới. Để lấy được niềm tin của báo giới, họ tiết lộ thông tin mật của công ty ra ngoài bằng một phương cách nào đó. Kết quả nhờ họ mà công ty có những cuộc hẹn riêng với các cấp cao, có số có má trong nghề báo, cũng nhờ họ mà báo chí không phải vất vả truy tìm thông tin của doanh nghiệp mà mình quan tâm để khi cần là tung ra có ngay bài hot.
–> Hệ quả: Một ngày đẹp trời công ty sững sờ không biết vì sao bao chuyện thâm cung bí sử, bao công thức kinh doanh của mình “được” báo chí đưa tin (mà một khi lên báo rồi cũng đồng nghĩa là cả thế giới đều biết).
…
Nhắc đến những câu chuyện này lại nhớ những ngày đầu mới chân ướt chân ráo với cái nghề viết lách, một người đàn anh nhắn nhủ: “Nếu em chọn nghề này và muốn nhanh giàu có thì em phải làm Ma, Huyền à”. Sau một thời gian trải nghiệm và suy nghĩ, em ấy vẫn chỉ muốn làm ma-sơ, tự dặn lòng sẽ khẳng định mình theo một cách khác. Và em nó vui vì cũng đã gặp được không ít con Người (đúng nghĩa là con người chân thật, hoặc giả chỉ thi thoảng hóa trang làm ma với những bối cảnh, người đối tượng cần sự hù dọa) giữa thế giới đang ngày càng nhiều ma mới. 🙂
Halloween, kể chuyện ma vui một chút thôi (ghi chú thêm, những con ma này vẫn chỉ chiếm số ít, đừng vì họ mà đánh mất niềm tin vào thế giới truyền thông hen). Bữa nào rảnh rỗi mình kể tiếp chuyện những cái hay ho trong nghề. ^^
Tp.HCM, 31.10.14