Bay


Sảnh chờ sân bay chiều mưa tầm tã thêm chật chội bởi khách chờ ngày một đông từ những chuyến bay bị delay liên tục. Cung ghế không đủ cầu nên người đứng, người ngồi bệt dưới đất la liệt chờ đến phiên chuyến bay mình được loa sân bay gọi tên. Sau một hồi đứng dựa cột chờ đợi, trời thương con nhỏ đang run run vì áo quần ướt nhèm bởi trận mưa trắng xóa trên đường ra sân bay, dãy ghế gần đó bỗng có hai ghế trống. Nhanh chóng yên vị trên một chiếc ghế, con nhỏ mở điện thoại tranh thủ lướt mail trong khi tiếp tục chờ đợi.
Một lúc sau, một người đàn ông tầm cũng sáu mấy bảy mươi tóc hoa râm, hơi phủ dài đến gần vai mang dáng dấp của một nghệ sĩ ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh. Vô tình, người đàn ông ngồi lên một phần ống tay áo khoác jean mà con nhỏ vắt ở túi đồ để bên cạnh. Nhanh chóng, con nhỏ cố kéo tay áo đang bị mắc kẹt. Người đàn ông dễ dàng nhận ra hành động này, khẽ nhích người để ống tay áo được lôi ra dễ dàng hơn. Con nhỏ ngước mặt lên nhìn người đàn ông và nói:
– Cháu xin lỗi đã làm phiền bác. Áo khoác của cháu đang bị ướt, cháu sợ làm ướt lây sang đồ của bác.
– Ừ, trời mưa lớn quá mà. Bác ướt chút cũng không sao đâu.
Nói chuyện với người lạ thì chẳng lạ lẫm gì với nó, nhưng trong cái tình cảnh người hơi mệt, áo quần ẩm ướt và chờ đợi mỏi mòn này, con nhỏ chỉ muốn yên tĩnh một mình nên nó chủ động rút khỏi cuộc đối thoại, im lặng cuối xuống điện thoại tiếp tục xem mail. Nhưng chỉ được mấy phút, người đàn ông lại chủ động bắt chuyện:
– Cháu bay về đâu thế?
– Dạ, cháu bay về Huế.
– Có phải chuyến này không cháu? – Người đàn ông vừa hỏi vừa cẩn thận lôi chiếc thẻ lên máy bay ra khỏi ví đưa cho nó xem.
– Dạ, đúng rồi ạ. Cháu cũng bay chuyến đó.
– Cháu ra đó công tác hay đi chơi?
Sau một chút ngập ngừng không biết nên nói nhiều hay ít với người đàn ông lạ mặt này, con nhỏ tiếp lời:
– Dạ, cháu… về nhà ạ.
– Ồ, nhà cháu ở Huế à? Vậy là cháu vào đây chơi?
Không biết có phải sự cởi mở, giọng nói ấm áp và ánh mắt trìu mến của người đàn ông đã khiến con nhỏ mở lòng hơn không, nó thật thà chia sẻ:
– Dạ, cháu từng học và làm việc trong này. Đợt này tranh thủ vào Sài Gòn để giải quyết một vài việc chưa xong.
– Cháu ở trong này lâu chưa?
– Dạ cả học và đi làm cũng gần 11 năm ạ.
– Trời, đã ở đây 11 năm rồi mà cháu chịu về ngoài kia à. Vì sao thế?
– Dạ, Ba Mẹ cháu ở ngoài đó.
– Ba Mẹ cháu đã nghỉ hưu rồi phải không?
– Dạ.
– Thế công việc đang làm ở đây quen, về ngoài đó cháu có tiếp tục làm việc cháu đang làm không?
– Dạ ở ngoài đó công việc của cháu có thay đổi một chút, đặc thù công việc ở Huế không giống ở đây.
– Ừ, ở ngoài đó thì kiếm được công việc đã khó, làm được công việc mình thích càng khó hơn. Thế cháu đã quen với công việc ngoài đó chưa?
– Dạ, cháu cũng đang thích nghi từng chút một. 🙂
– Ừ, những người trẻ như cháu chắc còn có thể thích nghi, chứ lớn tuổi như bác đã quen với Sài Gòn thì chắc chịu rồi.
– Nãy giờ nghe cách bác nói chuyện, cháu thấy đậm chất Huế lắm, bác là người Huế ạ? (Người đàn ông nói giọng miền Nam ngọt lịm nên con nhỏ thấy nghi nghi chớ không dám khẳng định)
– Đúng rồi, bác sinh ra và lớn lên ở Huế. Sau đó bác vào Quy Nhơn học ngành sư phạm rồi vào Sài Gòn dạy. Ở từ ngày đó cho đến giờ.
– Ồ, vậy đợt này bác về Huế thăm gia đình, họ hàng ạ?
– Ba Mẹ bác mất cả rồi, giờ ở Huế cũng chỉ còn anh em. Mà anh em thì khác với Ba Mẹ nên quãng thời gian sau này về Huế bác cứ thấy nó nhạt nhạt cháu à. Đợt này bác về dự đám ma của mợ bác. Hồi mới vào Sài Gòn thì bác cứ tâm niệm làm vài năm rồi về ở với Ba Mẹ. Lần lữa mãi rồi Ba bác mất, nói về ở với Mẹ mà cuối cùng đến khi Mẹ bác mất bác vẫn chưa làm được. Bác cứ day dứt mãi chuyện này. Cháu về ở được với Ba Mẹ cũng là một điều rất hay.
– Vậy bác có ở Huế lâu không ạ?
– Bác ở một ngày thôi. Mai tầm giờ này bác lại bay vào Sài Gòn. Huế của hôm nay cũng không còn nhiều điều giữ chân bác. Huế ngày xưa bác nhớ cứ về qua Đập Đá là thấy những nhà vườn như câu thơ của Hàn Mặc Tử: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc…”. Giờ nay có về cũng không còn cảnh xưa. Người Huế ngày ấy dù lam lũ nhưng cách sống có chút kiểu cách của mảnh đất kinh đô xưa và có cái gì đó hay lắm, giờ thì hiện đại hơn nhưng có chút nhàn nhạt và thực tế nhiều. Bác nhớ có lần bác ra bến xe để bắt xe vào Nam, loa phóng thanh của bến đang phát câu hát: “Ơi Huế của ta, ta có Huế tự hào…” thì bị tắt cái bụp, thay vào đó là giọng của ban quản lý phát qua loa oang oang: “Bà con chú ý, cẩn thận kẻ gian móc túi…”. Bác thấy hẫng và buồn ghê gớm.
Im lặng, người đàn ông dường như đang chìm vào dòng ký ức riêng. Sau một hồi bác ấy tiếp lời:
– Cháu đã từng có cảm giác ngập ngừng chưa?
Con nhỏ cười cười trả lời, trong lòng có dự cảm là câu chuyện tiếp diễn sẽ có mùi “tình ái” gì đây.
– Dạ có ạ.
– Mỗi lần có dịp đi bộ trên một con đường xưa quen thuộc, có lúc bác bỗng ngập ngừng dừng lại. Ngập ngừng để nhớ về một kỷ niệm, một bóng hình xưa.
– Cháu đoán có liên quan ít nhiều đến mối tình của bác ở Huế ạ?
– Haha (người đàn ông cười sảng khoái). Đúng là có liên quan đến một người con gái.
– Vậy bà xã của bác là người trong này luôn ạ?
– Không, vợ bác cũng là người Huế, và cũng là mối tình đầu của bác.
– Ôi, vậy nhất bác rồi.
– Bác cũng thấy mình may mắn, nếu không chắc giờ về Huế còn ngập ngừng nhiều nữa (cười). Mà bác hỏi này, thế cháu có người yêu ở đây không?
– Dạ hiện tại cháu không có người yêu, nhưng cũng có vấn vương ít nhiều ở đất này ạ.
– Vậy bác đoán có lẽ tình cảm của anh chàng nào đó chưa đủ để giữ chân cháu lại rồi. Trong trái tim người con gái, ngoài gia đình còn có một thứ bản năng khác – đó là tình yêu. Nếu có tình cảm đậm sâu thì chắc cháu đã không dễ bỏ đất này về với Ba Mẹ rồi.
– Dạ chắc có lẽ cũng là duyên số nữa ạ. Cuộc sống của mỗi người trong từng giai đoạn đều phải có những lựa chọn và việc lựa chọn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thật tình thì chia tay Sài Gòn lòng cháu còn nhiều day dứt lắm: bạn bè, những mối quan hệ đã và đang có trong những năm qua…
– Với tuổi của cháu đã là một cô gái trưởng thành và chín chắn, nên người đàn ông giữ được trái tim cháu cũng phải là người hiểu chuyện và từng trải. Và để tìm được người đàn ông cháu cần cho cuộc sống phía trước của mình, có lẽ cần thời gian để hiểu và kiểm chứng.
– Hihi, người thân và bạn bè cháu chắc mong người đó sớm xuất hiện lắm đó bác. Cháu về Huế bị xếp vào nhóm ê sắc ế rồi. (cười)
– Haiz, chuyện gì đến sẽ đến, có gấp cũng không được.
Điện thoại của người đàn ông đổ chuông, ông trả lời điện thoại với giọng rất đỗi dịu dàng sau khi thấy tên người gọi:
– Em à, máy bay của anh bị trễ giờ, giờ phải chờ thêm gần tiếng nữa.
– Anh chưa ăn, nhưng chắc là để kiếm cái gì đó bỏ bụng chứ mưa gió thế này không biết chờ đến bao giờ.
– Ừ ừ, lúc nào bay anh sẽ báo em. Em cứ yên tâm nhé.
Dừng cuộc gọi, bác quay qua mỉm cười:
– Bà xã bác đó. À, mà cháu ăn gì chưa?
– Dạ, nãy tới sân bay vừa ướt, vừa lạnh nên cháu đã làm tô phở cho ấm người rồi. Bác tranh thủ đi ăn gì chứ không lại đói ạ. Mà cháu nghi tới Huế có khi người nhà sẽ phần cơm cho bác nữa đó.
– Bác nghĩ chẳng ai đợi cơm bác đâu. Ra đó rồi bác cũng phải tự xử. Vậy thôi để bác kiếm gì ăn cái đã. Chào cháu nhé.
– Dạ, cháu chào bác.
(….)
Cuối cùng sau những giờ phút chờ đợi tưởng như vô tận, hãng cũng đã thông báo cho hành khách ra xếp hàng để lên máy bay. Tình cờ, con nhỏ lại gặp người đàn ông đó. Bác ấy thấy nó liền cười tươi:
– Nãy bác mua bánh mì ăn cháu ạ. Bác định ăn tô hủ tiếu mà nhà hàng phục vụ lâu quá, bác lại sợ máy bay thông báo nên không chờ nữa, qua quầy khác mua bánh mì. Giờ ấm bụng rồi. Mà ở Huế cháu ở đâu?
– Dạ cháu ở…()
– Vậy bác với cháu người ở bờ Bắc, người bờ Nam rồi. Chút cháu về bằng gì?
– Dạ đợt này hành lý cháu hơi cồng kềnh mà máy bay đến Huế cũng trễ rồi nên chắc cháu bắt taxi về cho tiện ạ.
– Bác định đón xe bus của sân bay, giờ đó chắc còn cháu nhỉ?
– Dạ, xe bus chờ đón khách máy bay mà máy bay tới trễ thì họ cũng sẽ đợi thôi ạ.
– Mà mua vé có dễ không cháu?
– Dạ, nếu bác không có hành lý thì khi vào ga đến, bác cứ đi thẳng ra cổng sẽ thấy bàn bán vé xe bus liền ạ.
– Bác cảm ơn cháu.
– Dạ không có gì ạ. Bác nhớ gọi báo cho bác gái.
– Ồ, may mà cháu nhắc, suýt chút nữa bác quên.
(…)
Máy bay sau gần hai tiếng cho khách ngồi chờ trên máy bay, bay tránh khu vực có thời tiết xấu rồi cũng về tới được Huế. Xe đón khách chở vào ga đến, người và người đứng chen chúc, ánh mắt ai ai cũng lộ vẻ bơ phờ, mệt mỏi bởi sự chờ đợi và chuyến bay kéo dài hơn mọi lần. Xe dừng hẳn, khách vội vã xuống xe đi vào ga đến, tới băng chuyền chờ hành lý. Con nhỏ chờ cho mọi người trên xe vãng gần hết nó mới xuống. Phần vì ban nãy bị kẹp ngay giữa xe phải chờ dòng người hai bên di chuyển, phần vì nó nghĩ đã tới Huế thì dù có chậm hơn một phút đi nữa thì nó cũng sẽ về đến nhà. Ông bác kia cũng chậm chậm xuống xe. Hai bác cháu lại có dịp gặp mặt.
– Về với Ba Mẹ là yên tâm rồi cháu nhỉ.
– Dạ, bác về với anh em cũng sẽ vui.
– Người không có ai chờ nơi điểm đến thì dẫu có đến cũng chỉ là đến nơi thôi cháu à. À, mà bác mua vé xe bus ngoài cổng phải không cháu?
– Dạ, bác cứ đi thẳng ra cổng là có thể mua vé xe bus được rồi. Bác tranh thủ mua vé rồi ra xe sớm để chọn chỗ ngồi cho ưng ý.
– Ừ, vậy bác về nhé. Chào cháu, có duyên sẽ gặp lại.
– Dạ, cháu chào bác.
Người đàn ông dảo chân bước đi, không quên quay lại vẫy tay chào và dành cho con nhỏ ánh mắt, nụ cười tạm biệt đầy trìu mến…
(…)
Taxi lăn bánh chạy ngang qua chiếc xe bus sân bay đang chờ đón những vị khách cuối cùng. Nó thấy người đàn ông ngồi ở hàng ghế phía trước và đang đăm chiêu nhìn lên bầu trời đêm qua cửa sổ xe. Nét buồn phảng phất trên gương mặt đầy phong sương cuộc đời dường như thêm thăm thẳm. Câu nói “không ai chờ nơi điểm đến…” lại văng vẳng bên tai nó.
Trời khuya đã ngớt mưa bỗng như thêm chút lành lạnh, chút thiếu thốn và xa xăm…
(Ghi lại từ một chuyến bay ngày mưa bão hôm nào đó)
Huế, 02.10.2016
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s