“ Từ năm 2011, Liên Hợp Quốc chọn ngày 11/10 hàng năm làm ngày “International Day of the Girl Child” – ngày Quốc tế trẻ em gái.
Mục đích của ngày này là tạo cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn.
Mỗi năm tổ chức Liên Hợp Quốc sẽ chọn 1 chủ đề riêng. Năm 2012, chủ đề của ngày 11/10 là “Chấm dứt nạn tảo hôn”; năm 2013 là “Đổi mới giáo dục”; năm 2014 là “Trao quyền cho các bé gái”; năm 2015 là “Sức mạnh của cô gái vị thành niên”; năm 2016 là “Girl Takeover – Bình đẳng để trẻ em gái được học tập, dẫn dắt, quyết định và phát triển”.
Chủ đề của ngày 11/10 năm nay là “Để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội”.
(Trích “ Ý nghĩa của Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10” – VietnamNet)
Hôm nay tràn ngập trên các mặt báo là những bài viết về trẻ em gái và ngày Quốc tế trẻ em gái. Hết vấn đề sinh con gái – con trai, lý do nên sinh con gái, hành trình đến trường của các bé gái, rồi thì đến các giả định nếu thế giới chỉ toàn đàn ông,… Cơ mà không hiểu đọc xong rồi, dù có những dư âm vui vẻ, tự hào về các thành tựu bước đầu của thế giới trong việc bảo vệ, tôn trọng, khẳng định và tạo điều kiện cho sự phát triển của các bé gái nói riêng và phụ nữ nói chung, trong lòng tui không hiểu sao vẫn có những xót xa khó tả. Có lẽ bởi tui cũng là phái nữ chăng?

Qua lâu rồi cái thời chỉ có con trai mới được đi học, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, và cũng đã quen rồi những câu cửa miệng “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” hay “là con gái thật tuyệt”, ấy vậy nhưng có bao nhiêu người, bao nhiêu gia đình vượt thoát suy nghĩ để xem con gái – con trai đều như nhau? Có bao nhiêu người đàn ông cảm thấy hạnh phúc đủ đầy khi nghe tin vợ mang thai đứa con đầu tiên là con gái?
Cơ mà dù tự hỏi vậy nhưng bản thân tui khi nghe ai có con trai đầu lòng tui cũng mừng hơn hết. Không phải tui trọng nam kinh nữ gì mà chỉ đơn giản là: người phụ nữ sinh được con trai đầu lòng thì sẽ đỡ bị áp lực từ gia đình chồng về việc phải sinh được con trai (nhất là những gia đình có con độc đinh hoặc chồng là trưởng nam); và nếu đứa con gái được sinh ra sau khi đã có một ông anh trai thì nó sẽ có một ai đó bảo vệ, có ai đó gánh vác thay những trách nhiệm của đứa con đầu lòng, trong gia đình nó cũng có quyền nhõng nhẽo hơn, được chiều chuộng hơn,…
Có lẽ cũng bởi cái chế độ gọi là “phụ hệ” nên vai trò và ý nghĩa của đứa con trai vẫn luôn được coi trọng hơn. Giả sử một ngày, chúng ta quay về thời “mẫu hệ” thì con gái có được lên ngôi? Đôi khi tui cứ thắc mắc, tại sao khi một đứa trẻ được sinh ra không để cha mẹ nó tự thống nhất quyết định họ của nó mà cứ mặc định là mang họ cha trong khi nó là kết tinh, là máu thịt của cả người mẹ và người cha? Rồi thì tại sao cũng là con người hai tay, hai chân, ngày làm việc 8 tiếng mà người thì hết giờ làm thì tất bật chợ búa, con cái, cơm nước như là một thứ nghĩa vụ, trách nhiệm, còn người thì lại có quyền lựa chọn: hoặc về nhà xắn tay vào phụ giúp vợ, hoặc về nằm chơi game/ xem tivi, hoặc la cà quán xá với bạn bè hay tham gia một môn thể thao ưa thích nào đó?
Với những gia đình có thể thu xếp ổn thỏa mọi chuyện trong ngoài, tui cực nể người phụ nữ của gia đình ấy. Tui nể sự hy sinh, chịu khó và cả nhẫn nhịn của họ. Nhiều người bạn tui lấy chồng xong là gần như mất hút, thời còn son rỗi thì còn hẹn hò được các cô ấy chút chút, một khi các nàng đã con cái thì mỗi lần gặp gỡ lại khó như lên trời. Cứ cô vợ nào càng được chồng khen đảm tui lại càng thương và càng nể cô ấy. Tui không dám hình dung hình ảnh tui trong vị trí các nàng bởi hơn ai hết tui hiểu: với một người, được chăm sóc, cơm nước cho người mình yêu thương là một hạnh phúc (không tin mọi người cứ ngẫm lại cái giai đoạn còn cưa cẩm, yêu nhau mà xem), nhưng một khi việc chăm sóc, cơm nước đó biến thành nghĩa vụ, trách nhiệm lặp đi lặp lại mỗi ngày thì nó chẳng khác nào một gánh nặng.
Tui nhớ có lần ở giữa bàn cơm nhiều anh chị em ngồi ăn chung với nhau thấy cảnh mấy chị cứ ăn một tí lại bỏ bát để đi lấy cái này, cái kia, xúc cơm, thêm canh cho mấy anh, tui lên tiếng liền. Tui nói cái thời buổi nam nữ bình quyền rồi, các anh có chân có tay tự lo được, hôm nay chị em cứ chiều các anh, sau này đến lượt vợ các anh ấy khổ. Một cậu em nghe thế liền bảo: “Hèn chi đến giờ chị vẫn ế”. Tui nghe cũng chỉ cười và thầm nghĩ, nếu không phải duyên nợ thì vì sao phải gượng ép ở bên một người chỉ biết chăm chăm lo cho bản thân mà không biết đồng cảm, sẻ chia mọi việc cùng mình. Có lẽ cũng bởi cái lập trường ấy mà những người theo đuổi tui trước đây, anh nào nặng bệnh gia trưởng là tự văng, anh nào thật sự tôn trọng và trân trọng phụ nữ thì chăm lo cho tui lắm. (Nhắc đến đây tui lại muốn cảm ơn các anh ấy – dù không đi đến tình yêu hoặc dù đã yêu nhưng không đi được cùng nhau đến cuối con đường – đã để lại những dấu ấn và hồi ức đẹp trong tui).
Người ta bảo “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, tui càng ngẫm càng thấy đúng lắm. Không hiếm đàn bà thiếu đàn ông vẫn có thể kiếm tiền xây nhà hoặc vay mượn mua nhà trả góp. Đại đa số đàn ông thiếu đàn bà thì cái nhà là tổ lạnh – bếp lạnh, cơm canh nguội lạnh, giường chiếu lạnh, không khí nguội lạnh. Không tin thì cứ nhìn vào thực tế thôi.

…
Lại thế rồi cái tật lan man, đang nói chuyện của trẻ em gái lại thành ra nói giông nói dài rồi. Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái, tui muốn gửi ngàn yêu thương và lời chúc tốt lành đến những cô gái bé nhỏ tui đã quen và chưa quen. Chúc các con, các cháu, các em sẽ lớn lên thật vui vẻ, thật mạnh mẽ và bản lĩnh!

Còn tui, em gái “già đầu” đêm đêm sẽ mơ tiếp giấc mơ kiếp sau làm đàn ông. Không phải để được phụ nữ hầu hạ, không phải để tham gia vào lực lượng ếvợ chổng vó (vì xã hội mất cân bằng giới tính, tỉ lệ nam nhiều hơn nữ) mà để làm được nhiều điều cho phụ nữ hơn, để làm gương và dạy những thằng con trai của mình phải biết đỡ đần, nâng niu, bảo vệ, tôn trọng và hết mực yêu thương bà, mẹ, chị em gái và những người phụ nữ xung quanh thật nhiều như thế nào.
Ahihi!

Huế, 11.10.2017