“Dự án hạnh phúc” – Là chính mình một cách nhẹ nhàng và trọn vẹn

“Không có bổn phận nào chúng ta xem nhẹ quá mức như bổn phận trở nên hạnh phúc” – Robert Louis Stevenson.
“Dự án hạnh phúc” là cuốn sách về câu chuyện dự án hạnh phúc của chính nữ tác giả Gretchen Rubin thông qua những gì cô trải nghiệm, học hỏi và nghiên cứu trong 12 tháng của một năm với mỗi tháng là một hạng mục phấn đấu.

Tháng 1: SỨC SỐNG – Nạp năng lượng
  • Đi ngủ sớm hơn
  • Chăm tập thể dục hơn
  • Loại bỏ, sửa chữa, sắp xếp
  • Giải quyết nhiệm vụ phiền toái
  • Thể hiện nhiều năng lượng hơn

Tháng 2: HÔN NHÂN – Hãy nhớ đến tình yêu
  • Chấm dứt thói càm ràm
  • Đừng trông đợi lời tán dương hoặc thái độ cảm kích
  • Tranh cãi hợp lý
  • Không “quăng rác”
  • Đưa ra những bằng chứng tình yêu

Tháng 3: CÔNG VIỆC – Vươn tới đích cao hơn
  • Lập một blog
  • Tận hưởng niềm vui của thất bại
  • Yêu cầu sự giúp đỡ
  • Làm việc một cách thông minh
  • Hãy tận hưởng ngay bây giờ

Tháng 4: LÀM BỐ MẸ – Hãy vui lên
  • Ngân nga vào buổi sáng
  • Chấp nhận thực tế cảm xúc của người khác
  • Tạo dựng một kho báu những kỷ niệm hạnh phúc
  • Dành thời gian cho các kế hoạch

Tháng 5: CHƠI CHO RA CHƠI – Giải trí
  • Tìm thêm niềm vui
  • Dành thời gian cho những chuyện bông phèn
  • Thoát ra khỏi lối mòn
  • Bắt đầu xây dựng mộ bộ sưu tập

Tháng 6: TÌNH BẠN – Dành thời gian cho bạn bè
  • Nhớ những ngày sinh nhật
  • Hãy hào phóng
  • Có mặt
  • Không ngồi lê đôi mách
  • Có 3 người bạn mới

Tháng 7: TIỀN BẠC – Mua chút hạnh phúc
  • Thỏa đam mê tiêu pha một cách có chừng mực
  • Mua những thứ cần thiết
  • Hãy tiêu xài
  • Từ bỏ một số thứ

Tháng 8: SỰ BẤT DIỆT – Nhìn ngắm bầu trời
  • Đọc hồi ký về thảm họa
  • Giữ một cuốn sổ biết ơn
  • Học theo một bậc thầy tinh thần

Tháng 9: SÁCH – Theo đuổi niềm đam mê
  • Viết tiểu thuyết
  • Sắp xếp thời gian
  • Quên đi kết quả
  • Nắm bắt một kỹ thuật mới

Tháng 10: TỈNH THỨC – Chú tâm
  • Công án Thiền
  • Thực hiện các nguyên tắc đúng
  • Kích thích trí tò mò theo những cách thức mới
  • Viết nhật ký ăn uống

Tháng 11: THÁI ĐỘ – Giữ một trái tim biết bằng lòng
  • Cười thật to
  • Cư xử tốt
  • Đưa ra những nhận xét tích cực
  • Tìm một nơi ẩn náu

Tháng 12: HẠNH PHÚC – Đi vào khuôn khổ.
Cùng 12 điều răn và Những bí mật của người trưởng thành mà cô tự đặt ra, trọng tâm dự án hạnh phúc duy trì danh sách các quyết tâm, những điều cô muốn thay đổi cho cuộc sống của mình.
Kế hoạch hạnh phúc của mỗi người sẽ là độc nhất vô nhị và hạnh phúc của bạn có thể bắt đầu bất cứ khi nào và kéo dài bao lâu tùy vào sự chọn lựa của bạn. Bạn có thể khởi đầu nho nhỏ hoặc lớn lao – điều đó tùy thuộc vào bạn.
Cuốn sách là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho bất cứ ai đang đi tìm cách thức để có một được hạnh phúc tự thân trong cuộc sống của chính mình một cách nhẹ nhàng mà vẫn trọn vẹn. Bất cứ khi nào bạn đọc cuốn sách này, và cho dù bạn là ai, thì đều là thời điểm thích hợp để bạn bắt đầu dự án hạnh phúc của riêng mình! 😉
Advertisement

Bạn có phi lý trí? ;)

“Khi đưa ra các quyết định trong cuộc đời, chúng ta thường cho mình là người kiểm soát và sự lựa chọn của mình là sáng suốt, lý trí. Nhưng liệu có đúng như vậy?”
Đang làm dự án Khai phá bản thân với phương châm “Làm chủ bản thân – Thay đổi cuộc đời”, mình đã phải đặt một dấu hỏi to đùng khi đọc cái lời dẫn trên của cuốnPhi lý trí của tác giả Dan Ariely. Nhưng khi đọc hết từng chương và cả cuốn sách này, mình thật sự tâm đắc. Tâm đắc bởi tác giả đã chỉ ra và chứng minh cho người đọc thấy một điều tưởng như đơn giản nhưng luôn hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta: chúng ta luôn và vẫn sẽ tiếp tục mắc những sai lầm ngớ ngẩn bởi cảm xúc bản thân và những thành kiến nội tại.
Thử để ý lại những việc đã làm, những điều đã nghĩ trong quá khứ chúng ta sẽ thấy rất rõ vấn đề trong đó. Ví dụ như ta luôn nghĩ “tiền nào của nấy” nhưng có thật sự cái gì giá cao hơn thì chất lượng sẽ luôn tốt hơn hay là do ta bị ám ảnh bởi điều đó? Ví dụ như ta luôn nghĩ với khả năng nhận thức đầy đủ và sáng suốt của mình thì trong tình huống nào mình cũng sẽ hành xử như thế, nhưng nhớ lại cái lần giận dữ gần đây nhất của bạn mà xem, có phải là là bạn đã có những lời nói, thái độ rất khác với những lúc bạn đang “bình thường”? Ví dụ như bạn đang có n anh chàng/cô nàng đang theo đuổi vậy vì sao bạn vẫn thấy khó khăn trong việc chọn lấy một anh/cô làm người yêu, hay trong hàng tá người đang yêu bạn vì sao bạn vẫn thấy khó khăn để chọn lấy một anh/cô để cưới? Ví dụ như bạn đi ăn ốc ở một quán vỉa hè, bạn sẽ nhận đến đồng tiền lẻ cuối cùng được thối nhưng khi đi ăn ở một khách sạn 4,5 sao, bạn sẵn sàng bỏ ít tiền tip cho người phục vụ (dù rằng số tiền tip đó có khi cũng gần tương đương với bữa ốc vỉa hè của bạn)? Vì sao là cafe có thể được pha từ cùng 1 gói cafe bột của Trung Nguyên nhưng uống ở Bệt hay Hàn Thuyên bạn thấy nó cũng chỉ là một thứ nước uống, nhưng khi nhâm nhi ở Trung Nguyên cafe thì bạn thấy đó là cả một sự thưởng thức? Vì sao cùng là khởi nghiệp mà có công ty thì xây dựng được một dàn nhân sự sống chết với dự án, có công ty thì sau khi hụt vốn thì nhân sự hụt hơi và bỏ đi luôn? v.v…Tất cả đều do sự tác động của phi lý trí!
Nhiều khi ta cứ nghĩ đơn giản và không cần để tâm, nhưng nó cũng tai hại lắm lắm. Những yếu tố phi lý trí này khiến ta không còn là ta trong hình dung, trong suy nghĩ mà ta luôn dành cho ta. Nếu quyết định cần đưa ra không quan trọng nhiều thì thông thường bạn chỉ cảm thấy bối rối giữa các lựa chọn (thức ăn, áo quần, việc chi tiêu,…). Nhưng nếu mức độ và hệ quả của việc quyết định là lớn hơn, mà không hiểu đúng về ảnh hưởng của phi lý trí để có cách phòng ngừa, chuẩn bị thì có khi bạn sẽ đánh mất nhiều thứ quan trọng cho bản thân (khi hưng phấn tình dục lên cao, khi bạn giận dữ, khi bạn đứng trước các quyết định lớn về đam mê, sự nghiệp, hôn nhân,…).
Trước khi đọc cuốn sách, mình từng muốn đọc xong ngay để phản biện về việc “dám” khẳng định con người không thể làm chủ bản thân mình trước các tình huống. Nhưng đọc xong rồi mới hiểu cái dụng ý của tác giả là chỉ ra những % không thể kiểm soát, những việc lý trí, nhận thức, đạo đức không thể can thiệp để giúp ta có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn về những yếu tố này. Sau đó là hình dung ta trong những hoàn cảnh mà những yếu tố phi lý trí có thể ảnh hưởng để có sự né tránh hoặc đối phó phù hợp nhằm giảm thiểu những hậu quả không mong muốn cũng như sống hợp lý và tốt đẹp hơn.
“Con người được tạo hóa ban tặng một quyền năng mạnh mẽ nhất, đó là lý trí. Con người luôn hành động theo lý trí, mất lý trí đồng nghĩa với việc chúng ta không còn là con người theo đúng nghĩa.” Nhưng “chúng ta đôi khi phi lý trí hơn chúng ta tưởng, thậm chí là thường xuyên phi lý trí và phi lý trí có hệ thống”. Hy vọng rằng, với cái nhìn sâu sắc hơn về nguồn gốc hành vi của bản thân, chúng ta sẽ sớm tìm ra được những phương án tốt hơn để cải thiện tính phù hợp, đúng đắn trong các quyết định của mình trong cuộc sống.
Cảm ơn một cuốn sách rất hay. Cảm ơn tác giả đã dày công nghiên cứu và biên soạn. Cảm ơn anh nguytai đã giới thiệu và cho em mượn cuốn sách này.
Chúc những điều tốt lành đến với mọi người!
P/s: Cả nhà có thể đọc phần bình luận sâu hơn về cuốn sách này trên Tủ sách Doanh trí

Sống chậm để trọn vẹn hơn với cuộc đời

Trong nhịp sống hối hả hiện đại, chúng ta luôn ở tình trạng căng thẳng vì câu chuyện ngày 24 tiếng, tuần 7 ngày. Thời gian trở thành một nguồn lực có giới hạn buộc chúng ta phải tăng tốc để biến mỗi giây phút qua đi trở nên hữu ích và có thể đem lại nguồn lợi nào đó cho ta.  Đôi khi ta cảm thấy mình không đủ thì giờ cho tất cả: công việc, gia đình, bạn bè và các thú vui bên ngoài. Ta ăn nhanh, uống nhanh, đi nhanh, ngủ ít, thả mình trong guồng quay đầy bận rộn của cuộc sống như thể chỉ cần chậm đi một giây, ta sẽ trở nên thừa thải hoặc sẽ tụt hậu rất nhanh về phía sau.

Có khi nào ta thử đặt một câu chuyện hơi khác thế này. Nếu lấy cuộc đời ta 60 năm làm chuẩn thì có bao giờ ta thử tính toán tỉ lệ thời gian ta dành cho các công việc trong đời (học tập, làm việc, vui chơi, ăn, ngủ, gia đình, chăm sóc bản thân,…). Bạn có thấy kết quả có gì đáng ngạc nhiên không? Kết quả bạn đang dành bao nhiêu % cuộc sống cho bản thân – là người bạn, người chủ của chính bạn, bao nhiêu % cho gia đình và những mối quan hệ thân thiết – nguồn sức mạnh tinh thần bên ngoài không thể thiếu trong cuộc đời bạn, còn bao nhiêu % cho công việc, những thú tiêu khiển giết thời gian – điều mà khi bạn qua tuổi 60 nhìn lại bạn sẽ thấy như mây trôi gió thoảng,…?
Hãy thử đọc “Ngợi ca sống chậm” của Carl Honoré và chiêm nghiệm thêm cho bản thân về ý nghĩa của triết lý Chậm trên bàn ăn, tại công sở, trong các mối quan hệ thậm chí là trên giường ngủ và trong việc giáo dục con cái. Bạn sẽ ngẫm thấy một dư vị rất khác của Chậm. Chậm không có nghĩa là bạn đánh mất đi sự linh hoạt, tính hiệu quả mà ngược lại nhờ cơ chế vận hành rất tự nhiên của con người và các sức mạnh bên trong cho bạn những quyết định sáng suốt hơn, tỉnh táo, tinh tế và sâu sắc hơn.
Cuốn sách như một món ăn đầy chậm rãi mà để cảm thụ hết được nó, bạn phải kiên nhẫn và đón nhận nó với một suy nghĩ chân thành mong muốn cuộc sống của mình hạnh phúc, thành công và tốt đẹp hơn. Nếu là tín đồ của tốc độ, bạn có thể sẽ bỏ dở từ những chương đầu tiên, nhưng hãy nhẫn nại. Chờ đợi cũng có cái giá của nó. Khi đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ rút tỉa và chiêm nghiệm được cho bản thân rất nhiều điều. Nhiều điều cần thiết, ý nghĩa và có giá trị với bạn đang bị lãng quên đâu đó trong cuộc đua trường kỳ về thời gian, hãy khơi và tìm lại nó trong những phút giây lắng mình cùng Sống chậm.
Bạn không cần đi hết cuộc đời này để xem xét hay hối tiếc mình đã sống quá nhanh hay quá chậm mà hãy tạm dừng lại một khoảnh khắc nào đó để nhận diện được điều gì là quan trọng với bản thân mình. Và như người ta thường nói, bạn sẽ không bao giờ thiếu thời gian cho những việc quan trọng – câu chuyện ở đây là sắp xếp một cách hợp lý và có thứ tự hơn những điều cần thiết trong cuộc sống bạn, theo cách của bạn chứ không phải theo cái tiêu chuẩn thời gian nào đó mà trường học, xã hội hay cả thế giới này đang rao giảng. Chậm đi một chút không phải bạn hay cuộc sống sẽ trở nên dở hơn và khi làm chủ được thời gian của bản thân thì bạn đã được giải phóng và có một tự do vô biên cho chính mình. Quan trọng là bạn có dám bỏ bớt đi không căn bệnh thiếu-thốn-thời-gian. Khi chịu dành thời gian để hoàn thiện một điều gì đó trọn vẹn hơn (so với sự hấp tấp, vội vã như hiện tại) bất giác bạn sẽ nhận ra rằng công việc đó có ý nghĩa hơn, bạn trở nên sáng tạo hơn và sản phẩm làm ra cũng trở nên giá trị hơn.
“Hãy thử nghĩ về thời gian, không phải như một nguồn lực có hạn đang không ngừng chảy đi mất, hoặc như một gã côn đồ đáng sợ hoặc cần chế ngự, mà chỉ như một nhân tố tốt lành trong đó chúng ta sống trong”. Hãy để thời gian trở nên dài hơn chứ không thành một vội vã thoáng qua, để ta không trở nên “cằn cỗi” với cuộc sống đầy những điều tươi đẹp này! Lắng mình để nghe chính mình và hơi thở cuộc đời, cuộc sống khi đó không còn là chiếc bình rỗng cần đổ đầy những lo toan mà trở thành chuỗi các tập trung chú ý giữa các xao lãng rất đời. Khi đó, “thế giới sẽ thoải mái hiến mình cho bạn để được bộc lộ”.