Tôi nhớ mãi cái hồi học lớp 3, hồi đó cứ hàng tháng là có sổ liên lạc gửi về báo điểm cho Phụ huynh. Đợt đó tôi học hành chểnh mảng nên điểm không đẹp lắm, lo về nhà Mẹ sẽ mắng, tôi không dám trình sổ mà làm chuyện động trời là … giả chữ ký của Mẹ vào sổ rồi nộp lại cho Cô giáo chủ nhiệm. Tất nhiên là với khả năng bắt chước dở ẹt của tôi thì Cô phát hiện ra dễ dàng. Tôi nhớ mãi giờ học hôm đó, Cô cho cả lớp làm bài tập và gọi riêng tôi lên bàn giáo viên. Cô mở sổ liên lạc và hỏi tôi về chữ-ký-giả. Tôi hoảng hốt thú nhận tất cả với cô. Cô nhìn tôi hồi lâu rồi nói: “Con về nhà kiếm cho cô 1 cái roi tre, mai đem vào lớp cho cô nhé” rồi cho tôi về chỗ. Cả chiều hôm đó tôi lục tung cả nhà mà không kiếm được cây roi nào như cô yêu cầu, lại không dám hỏi Mẹ vì sợ bị lộ chuyện. Đến tận chiều tối mới tìm được 1 thanh tre của mấy nhà làm nón trong xóm còn sót lại, thế là lấy dao ra ngồi hì hục vót cho thẳng, cho nhỏ nhỏ lại. Mẹ thấy lạ hỏi thì tôi nói rằng chuẩn bị cho giờ thủ công ngày mai ở lớp.
“Lượng hóa” thể hiện bằng con số. Đó là trò đi học thêm đến kỳ phải trả học phí. Trò nào không có học phí thì nhiều trường hợp dù có trình bày gia cảnh ra sao vẫn không được theo học. Thậm chí, ở một số trường Đại học, việc “lượng hóa” còn thể hiện công khai hơn: muốn qua môn này thì 500k/người, muốn điểm này thì thế này… Về phía học trò thì đánh giá thầy cô qua mức tiền mà phụ huynh lo lót hoặc bồi dưỡng cho. Thầy cô nào mà lỡ nhận tiền của phụ huynh thì trò mặc nhiên quy ước rằng “ông/bà ấy không thể đối xử tệ với mình được” nên đôi khi cư xử không mấy tôn trọng.
“Dân chủ hóa” – đúng như tên gọi cũng đã nói lên nhiều điều. Nếu như hồi xưa – theo lời chia sẻ của cô chủ nhiệm cũ của tôi – học trò phải xưng “con” với Thầy Cô, bởi Thầy Cô hoặc đáng tuổi Cha, tuổi Mẹ, hoặc là người đáng kính trọng với nhận thức, trải nghiệm hơn trò một bậc. Ngày nay thì học trò đa số xưng “em”, một số xưng “tôi” và một ít xưng tên trực tiếp trước thầy cô. Sự dân chủ còn thể hiện ở một khía cạnh khác. Nếu ngày xưa chỉ có Thầy Cô chọn không dạy trò, thì ngày nay trò có quyền lên tiếng đổi giáo viên nếu cảm thấy không phù hợp, không đủ trình độ hoặc đôi khi là không … vừa mắt. Lý do được đưa ra ở đây là: trò là người trả tiền – tức người mua hàng, thầy cô là người bán tri thức, nên trò đóng vai trò là “thượng đế”, có quyền chọn mua, mặc cả hoặc phàn nàn nếu muốn. Một sự dân chủ khác mà tôi được chứng kiến là câu chuyện ở giảng đường tôi: Trong buổi học đầu tiên của một môn học mới, Thầy bước vào lớp giới thiệu bản thân, sau đó nhắn nhủ một câu thế này: “Ở giảng đường, chúng ta là thầy trò. Ra khỏi giảng đường, nếu có gặp ở đâu đó, thì nhớ là “nước sông không đụng nước giếng”. Hoặc một hình thức khác mà dạo này công chúng không còn xa lạ nữa là nếu cô thầy lỡ đánh hoặc “đắc tội” với trò thì sẽ bị “xử” bằng nhiều thể loại – như một con người xã hội bình thường có thể chịu “tai ách” ở đâu đấy nếu lỡ làm phiền lòng ai đó. Với nhiều cách thể hiện khác nhau, sự “dân chủ” đã và đang được ứng dụng một cách mạnh mẽ ở trường học như thế.
Đâu đó, thầy trách trò không ra trò. Ngược lại, cũng không ít trò phản ánh thầy không ra thầy. Mọi người cứ mãi đi tìm nguyên nhân vì sao học trò không như xưa, thầy không như xưa, tình cảm thầy – trò không được sâu đậm và đáng quý như xưa như thể lục tìm một điều tốt đẹp đã qua đi mãi không thể giữ lại. Ờ thì, vẫn có những người Thầy đáng kính trọng, vẫn có những người Trò ngoan, vẫn có những mối quan hệ Thầy – trò đẹp đẽ, ở ngay đâu đây chứ không phải ở nơi nào đó xa xôi, khi mà, Thầy đúng là Thầy và người trò theo đó, sẽ biết bổn phận, cách cư xử của mình cũng như hình thành được sự liên kết vô hình mà chặt chẽ giữa người Thầy, người trò.