Vì điều gì?


Có cuốn sách có tựa đềlà “Chúng ta thoát thai từ đâu?”.
Có môn học tên Quản trị cuộc đời vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi quan trọng: “Vì sao chúng ta sinh ra? Sự tồn tại của chúng ta có ý nghĩa gì?”.
Còn tui, điều tui vẫn thắc mắc không chỉ cho bản thân mình mà còn nhiều người xung quanh nữa là “Chúng ta đang vì điều gì?”.
Có người xem đến đoạn này sẽ dừng luôn không đọc tiếp bởi lẽ nghe nó xa xôi và sặc mùi triết lý. Nhưng thật tình mà nói, rất nhiều khi người viết vô tình còn người đọc hữu ý đấy thôi. Cũng như những điều tui tỉ tê dưới đây cũng chỉ đơn thuần là nhắc lại đâu đó một vài chuyện thực tế khiến tui thật sự băn khoăn chứ không đang nhắm vào ai hay bình phẩm điều chi cả (và chắc chắn tui cũng không có cái quyền ấy).
– Chúng ta nói: “Tôi phải vất vả làm việc là vì cái gia đình này, để vợ con có cuộc sống đủ đầy, ấm no”. Chúng ta hoặc cố gắng, chăm chỉ, hoặc ma lanh, bòn rút, hoặc bằng một cách thức nào đó kiếm được tiền về để vợ con ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng. Cơ mà một ngày đẹp trời, do tự đánh giá mình giỏi vì kiếm tiền hay, nhiều người trong chúng ta lại bị vài ba cái tật kiểu như: cặp bồ với chân dài bên ngoài, xem vợ như ô sin, coi mình là trung tâm nói một không được ai mở miệng hai,… Ai ý kiến này nọ thì sẽ bị luận điệu và tư duy: “Ai là người làm ra tiền ở cái nhà này? Tiền của tôi tôi có quyền!…” đập thẳng vô mặt. Ồ, thế cuối cùng chúng ta đã và đang kiếm tiền là vì điều gì?
– Chúng ta nói: “Tôi hy sinh hết tất cả sự nghiệp, đam mê, tuổi trẻ cùng vô vàn cơ hội để theo anh vì trái tim tôi mách bảo phải làm thế”. Nhưng rồi, sau khi để mọi thứ ở lại phía sau và bắt đầu một cuộc sống mới cùng anh, tôi mới hỡi ôi vì cuộc đời không ấm êm như con tim tôi từng mường tượng. Những khác biệt chồng chất, những mâu thuẫn, cãi vả, những lạnh lùng xa cách. Cuộc sống chúng ta lâm vào cảnh chán chường, bế tắc rồi không ngớt dằn vặt nhau và tự dằn vặt chính mình. Không ít cặp đôi vì thế tan rã, chia ly. Vậy cuối cùng, chúng ta đã hy sinh bản thân vì điều gì?
– Chúng ta nói: “Tôi làm tất cả là vì muốn tốt cho con cái tôi. Tôi không muốn chúng hư hỏng, lầm đường lạc lối. Tôi muốn chúng yên ổn và an toàn”. Với suy nghĩ này, thực tế diễn ra là, hoặc chúng ta bảo bọc con quá kỹ, hoặc cấm cản chúng đủ đường, hoặc quyết định thay luôn cuộc đời của những đứa trẻ: ăn gì, học gì, thi trường gì, làm công việc gì, cưới ai, sống ở đâu,… Không biết có bao nhiêu người đã có được một kịch bản cuộc đời vừa ý của cả đấng sinh thành, vừa ý của cả chính mình. Tui chỉ biết, tui đã thấy không ít người trẻ có, lớn có khổ sở vì bị kìm kẹp, hối tiếc vì đã bỏ qua ước mơ của bản thân, chán ghét vì phải sống cuộc đời của ai đó chứ không phải của chính mình, buông bỏ tất cả vì không còn động lực sống/ làm việc/ phấn đấu, thậm chí hủy hoại và tự chấm dứt cuộc sống khi còn ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Ôi thế thì chúng ta đã làm mọi điều (cho con cái) là vì điều gì?
– Chúng ta nói: “Tôi muốn tất cả được kiểm soát nên chúng ta cần các quy định, cần kỷ luật”. Và thế là tất tần tật những gì chúng ta không đủ năng lực để quản lý, chúng ta thi hành luật. Luật từ chuyện nhỏ đến chuyện to, luật từ nhà, ra ngõ, loanh quanh trên đường, vào công sở và thậm chí lên cả rừng . Chúng ta cho rằng luật là công cụ có thể thay chúng ta phong tỏa mọi con đường, mọi hành vi trái với mong muốn của chúng ta, nhưng nếu thế thật thì sao vẫn có những “người phán xử” (mượn tạm tên bộ phim truyền hình Việt Nam được nhiều người ưa thích), có cái gọi là lách luật rồi cái gọi là ngoại lệ? Bản chất, ý nghĩa của các luật lệ và sự kỷ luật là tích cực nhưng nếu người ra luật không làm gương, người thi hành không hiểu hết ý nghĩa của các khuôn khổ, không xây dựng được tinh thần thượng tôn pháp luật thì gia pháp, nội quy, luật lệ càng đưa ra chỉ càng dễ dẫn đến những trạng thái, hành động tiêu cực, chống đối và ức chế. Nếu điều đó xảy ra, thử hỏi chúng ta xây dựng các quy định, siết chặt kỷ luật là vì điều gì?
– Chúng ta nói: “Tôi phấn đấu đạt được thành công ấy, thành tích ấy là vì vinh quang gia tộc, vì vinh dự của đất nước,…”. Cơ mà, sự thật thì chúng ta hoặc vì ganh đua với bạn bè cùng trang lứa, hoặc vì chinh phục các giới hạn của bản thân, hoặc đôi khi vì những điều rất giản dị như là có được giải thưởng ấy tôi sẽ ngẩng cao đầu nhìn đời hoặc giả sẽ có thêm chút tiền để trang trải cuộc sống, để phụ giúp thêm gia đình tôi. Những mục đích cao cả thì chẳng thiếu nhưng nhiều lúc quá xa xôi. Những chỉ tiêu, những mục tiêu ngắn hạn thì hiển hiện ngay trước mắt. Câu chuyện rất đỗi trần tục là chúng ta cứ ráng thêm chút nữa, cố thêm chút nữa cho đến khi chồn chân, mỏi gối bởi chúng ta cần sống, cần khẳng định được sự tồn tại của chính mình trong thế giới hỗn mang này. Tạm quên đi những điều cao xa và cùng ngẫm xem, thật sự chúng ta đang phấn đấu vì điều gì?
Cuộc đời thì quá ngắn mà những câu chuyện thì quá nhiều, quá dài. Có nhiều khi chúng ta cứ ngỡ mình là kẻ khôn ngoan nhưng hóa ra đang ngây dại, chúng ta cứ ngỡ mình vì người hóa ra sâu thẳm nhiều lúc vẫn đang là vì mình. Cơ mà, sự thật là, nếu chúng ta không biết yêu quý, quý trọng bản thân thì làm sao thật sự yêu thương, trân trọng người khác. Cái Tôi vẫn luôn tồn tại, chỉ là biểu hiện dưới hình thức này hay hình thức khác, mức độ nhẹ hay nặng khác nhau mà thôi…
***
Viết rồi đọc lại bỗng dưng cảm thấy tui đang rạch ròi một cách thô bạo quá. Nước trong quá thì cá chẳng sống được, mà xét cho cùng tui cũng đang là một con cá giữa đại dương mênh mông đó thôi, hihi.
Rõ ràng, thành thực với chính mình nhưng độ lượng hơn với người, với đời, tui nhé!    
Huế, 09.08.2017
Advertisement

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s