Vết thương lòng tuổi thơ em…

Chiều nay tìm hiểu về mấy khóa học dành cho trẻ, tình cờ đọc một nội dung liên quan đến việc hàn gắn vết thương lòng cho các bạn nhỏ ở những gia đình có mất mát (bố mẹ lục đục, đã chia tay hoặc có người mất), lòng bỗng có chút bồi hồi.

Chợt nhớ câu chuyện của một bạn nhỏ đã thủ thỉ với mình ngày học làm vòng đeo tay:
– Mẹ con tội lắm cô ơi!
– Vì sao con nói mẹ tội nè?
– Dạ, ba mẹ con cãi nhau. Mẹ con buồn lắm
– Chắc là ba mẹ có khác biệt quan điểm nhau chút thôi, rồi ba mẹ sẽ sớm làm lành và vui vẻ lại nè. Con đừng lo quá nha.
– Dạ con không biết. Giờ ba không ở với ba mẹ con con nữa cô ơi.
– Vậy giờ mấy mẹ con con đang ở đâu?
– Dạ, mẹ đưa chị em con về ở với bà ngoại ạ.
– Tụi con về nhà ngoại lâu chưa?
– Dạ mẹ con con về ngoại cũng được một thời gian rồi.
– Vậy thời gian qua ba có liên lạc gì với tụi con không?
– Dạ không ạ.
(Lắng)
– Cô ơi, có lần con thấy mẹ khóc. Con biết mẹ buồn lắm á. Có điều không nói cho mẹ biết con thấy mẹ khóc, con không muốn mẹ biết con thấy mẹ buồn.
– Đứa trẻ ngoan, mẹ con phải rất hạnh phúc khi có đứa con gái tình cảm như con. Thế con làm vòng tay này tặng mẹ con phải không?
– Dạ, con muốn tặng quà để mẹ vui. Nhưng mà con làm chậm quá cô ơi, mấy bạn đã làm xong vòng của mấy bạn hết rồi!
– Không sao hết, các bạn làm xong vòng thì các bạn sẽ tham gia các hoạt động khác, con cứ làm đi, cô ngồi lại đây với con cho đến lúc xong vòng tay của con. Con không phải ngồi một mình đâu, đừng lo lắng chi cả, cứ yên tâm tập trung làm vòng của con thôi. Con xem nè, dù con làm chưa nhanh bằng các bạn nhưng vòng của con đang làm rất đẹp. Cô tin sau khi hoàn thành, nó là một cái vòng rất tuyệt vời.
– Thiệt hả cô. Mẹ con sẽ thích phải không cô?
– Cô chắc chắn mẹ con sẽ rất thích, bởi nó thật sự đẹp và được làm bằng tất cả thành ý, tình yêu thương của con.
– Dạ.
Thế rồi cô bạn nhỏ ấy lại cặm cụi ngồi tết vòng, bỏ cả bữa ăn nhẹ, bỏ cả giờ giải lao, chỉ chăm chú tỉ mỉ làm công việc của mình. Cô bé thao tác còn chậm, đôi khi còn làm sai, mình phải giúp tháo nút ra để bé thắt lại, nhưng trên hết, nhìn thấy sự kiên trì và tỉ mẩn của con, mình vô cùng xúc động.

Khi các bạn đã lác đác ra về, cô bé mới làm xong chiếc vòng của mình. Bé cầm thành phẩm khoe mình với ánh mắt long lanh:
– Cô ơi, con làm xong rồi nè.
– Con gái, con giỏi lắm. Nhận được món quà này, mẹ con sẽ rất vui.
– Dạ, vài bữa con sẽ làm cho em con thêm một cái vòng nữa.
– Con không chỉ là đứa con ngoan mà còn là một người chị thương em nữa. Mẹ con thật sự có thể tự hào về con.
Cô bé cười vui híp mắt.

Mẹ đến đón, cô bé chạy ào ra ngay đưa ngay vòng tay tặng mẹ:
– Mẹ ơi, con làm vòng tặng mẹ này….

***
Lại nhớ câu chuyện của một người bạn cũ. Một cô nàng xinh xắn, cao ráo, fan hâm mộ xếp hàng dài. Cơ mà anh chàng nào cô ấy cũng chỉ quen dăm bữa rồi thì bỏ. Thậm chí, lâu lâu mọi người lại bàn tán cô ấy đang cặp với anh này, anh kia đã có người yêu, đã có gia đình. Bạn bè có quan tâm, can ngăn khuyên cô ấy nên yêu nghiêm túc một anh tử tế, cô ấy chỉ cười nói gọn:
– Tao chả thích yêu nghiêm túc. Tao chả tin vào tình yêu, thì làm quái gì tao phải cột mình với một ai đó cho nhọc thân. Sống thế này vui hơn.

Nghe thế, bạn bè tản hết, định vị cô ấy là đứa thích đùa giỡn với tình cảm, ai dại dính vô tự chịu. Thân cô ấy, cô ấy lo, riết cũng chẳng ai hỏi tới nữa.

Chỉ là vô tình một lần lúc cô ấy say, mình được nghe cô bạn ấy tâm sự:
– Tao buồn lắm mày ơi. Mẹ tao yêu bố tao nhiều lắm, hy sinh vì gia đình nhiều lắm, vậy mà bố tao vẫn nỡ bỏ nhà đi với gái. Bị gái đá thì về khóc lóc xin mẹ tao tha thứ, được một thời gian thì chứng nào tật ấy, cái thói lăng nhăng không chừa. Hồi đầu tao còn xót, thương mẹ. Sau tao thấy bố tao cứ năm lần bảy lượt như thế, tao đâm hận bọn đàn ông. Tao ghét mấy thằng đàn ông tham lam, không biết trân trọng tình cảm chân thành. Tao không tin vào tình yêu thề non hẹn biển của mấy chả. Tao chơi đùa với mấy chả, phá được cặp nào tao phá hết, để mấy lão biết mùi bị đá, bị phản bội là thế nào. Cái loại không biết trân trọng người thật lòng thật dạ yêu thương mình thì không xứng đáng có được hạnh phúc…

Nhỏ vừa nói, vừa khóc rồi mệt quá ngủ thiếp đi. Nhìn nhỏ khi đó mình chỉ biết thương, rồi nghĩ bụng mong sau này có một anh nào ấy có thể dành cho nhỏ một tình yêu đủ lớn để chữa lành nỗi hận thù, khôi phục niềm tin trong nhỏ thì tốt quá…

***
Nhớ về những câu chuyện này và bất giác muốn kể lại. Bố mẹ mình à, các bạn nhỏ không chỉ nghe những điều chúng ta giảng dạy, mà còn đang nhìn những chuyện chúng ta làm, cách chúng ta hành xử, đối xử trong gia đình với nhau cả đấy. Đừng nghĩ nhỏ tuổi là không hiểu chuyện. Có những việc, chúng ta vô tình để lại những vết thương lòng, những ám ảnh và những hệ lụy về mặt tâm hồn lâu dài cho con trẻ lúc nào không hay.

Yêu thương, tôn trọng, lắng nghe và là người bạn chân thành của các bạn ấy, bố mẹ mình hen!

Huế, 04.02.2020

Advertisement

Quán

Tan sở, con nhỏ ghé qua cái quán nhỏ quen thuộc chờ người bạn lâu ngày không gặp. Quán khá vắng khách.
Bạn bị dính việc đột xuất phải ở lại công ty làm cho xong nên đến trễ, bụng đói meo nên con nhỏ gọi tô bún cắm cúi ăn trước. Ăn vơi được phân nửa tô, nhìn lên thì thấy quán đã lác đác khách ở các bàn. Nhìn đống hồ thấy khả năng bạn chắc cũng chưa ra liền được nên sau khi gọi điện xác nhận với bạn là vẫn đang chờ thì nó kìm hãm tốc độ ăn lại, nhờ đó mà cũng có thời gian quan sát xung quanh hơn.
Ở bàn phía trước mặt nó là một gia đình nhỏ ba thành viên. Người bố trông rắn rỏi, da ngăm đen, mặc bộ đồ khá cũ, chân mang chiếc dép tổ ong màu đã ngả vàng. Người mẹ nhỏ người, gầy gò, da sạm màu. Cô con gái tầm 4 tuổi, đôi mắt đen tròn xoe, tóc thắt bím sau, mặc cái đầm ngắn, khuôn mặt tròn tròn đáng yêu.
Phục vụ quán đến hỏi cả nhà ăn gì. Người bố sau một hồi xăm soi thực đơn, quyết định gọi món chè giá rẻ nhất. Xong không cần chờ chị vợ xem món ảnh gọi luôn món há cảo chiên cho chị (theo lời ảnh nói với chị phục vụ là “vợ tui thích ăn món này”), rồi quay qua hỏi cô con gái:
– Con thích ăn gì?
– Con thích cái món gì nhỏ nhỏ, tròn tròn mà có mấy chú hay đạp xe đi bán, bỏ trong tủ kính á.
Anh chồng quay qua hỏi chị phục vụ:
– Ở đây có bán cá viên chiên không chị?
– Có, anh.
– Vậy chị cho tui một dĩa cá viên chiên nữa, có mấy cái nĩa chị nhé.
Ly chè của người chồng ra trước. Anh vớt mấy cục đá xay ở trên cho vào miệng rồi dùng muỗng vớt đậu ở dưới đút cho cô con gái. Cô bé cười khoái chí với mấy hạt đậu mát lạnh trong miệng, cười tít cả mắt.
Món cá viên chiên ra. Bố mẹ như được phân công sẵn, bố thì cắm lần lượt mấy cái nĩa vô từng cục cá viên, cầm lên miệng thổi phù phù cho đỡ nóng. Mẹ xé khăn ướt lau tay cho con. Được mẹ lau tay xong, bé con liền lấy xiên cá viên bố đã thổi nguội đưa lên miệng cắn vội. Miếng cá bị rơi ra, lăn xuống nền gạch, để lại miếng dầu còn dính lại trên một bên miệng của cô bé. Anh bố lấy cái khăn ướt chị vợ đã xé lau tay cho con lúc nãy lau mặt cho con gái, miệng nói: “Không sao, không sao, ăn cục khác nhé!”. Cô bé cầm tiếp cái nĩa đã được bố xiên sẵn cục cá viên ăn tiếp. Anh bố sau khi đã lau mặt cho con xong, quay xuống tìm cục cá viên, lượm lên lấy tay phủi phủi bụi rồi chấm tương ớt ăn ngon lành.
Bé con học theo bố, chấm miếng cá vào ớt tương rồi mới chịu bỏ vào miệng. Cay xè, bé con lè lưỡi coi bộ khó chịu lắm. Anh chồng đưa cục cá đó cho chị vợ ăn, lại lau miệng cho con rồi quay qua chị phục vụ xin chén tương đen cho con chấm khỏi cay, còn kéo chén tương ớt ra xa.
Món há cảo chiên của chị vợ ra. Anh chồng liền chuyển mấy miếng đồ chua ở dĩa cá viên của con gái qua dĩa của chị, miệng nói như để cả hai mẹ con cùng nghe:
– Mẹ thích ăn đồ chua, con gái thì không ăn được đồ chua nên cho mẹ đồ chua nè.
Chị vợ lặng lẽ xắn nhỏ mấy cục há cảo ra, ai dè không biết do trơn tay hay sao mà một cục rơi xuống đất. Cô bé con thấy thế cười khanh khách, mắt nhìn bố, tay chỉ dĩa há cảo của mẹ coi bộ muốn rủ bố cùng chọc quê mẹ. Anh bố hiểu ý cũng cười theo con (nhưng đôi mắt nhìn vợ thì vẫn hiền dịu và ấm áp vô cùng). Xong rồi để phân tán sự chú ý của cô bé để chị vợ ăn tiếp phần của mình, anh cũng bắt chước lấy hai cái nĩa nhỏ xắn một cá viên trong dĩa của con gái. Cục cá viên học theo miếng há cảo cũng lăn quay xuống nền, thế là cô bé khoái chí cười càng to. Bố mẹ cũng nhìn nhau cười.
Khác với cục cá viên bị rơi lần đầu, cô con gái rất để ý đến cục cá viên bị rơi xuống nền lần này, cứ hỏi bố cục cá viên ấy đâu rồi. Anh bố lấy tay dò xuống tìm rồi cầm lên. Nhưng sợ cô bé thấy rồi sẽ đòi ăn nên bày trò ảo thuật, cho cô bé thấy cục cá viên ở tay này rồi huơ tay kia như làm phép, miệng úm ba la xì bùa xong len lén giấu cục cá viên đi:
– Ba làm phép cá viên biến mất rồi, ba giỏi không?
Con bé gật đầu, cười rõ tươi để lộ hàm răng sún và quay lại tiếp tục với món ăn của mình. Khi thấy con gái đã hết chú ý đến viên cá kia, anh bố mới lặng lẽ phủi bụi và chấm tương ớt ăn…
Xong bữa, anh kêu chị phục vụ tính tiền, rồi móc túi quần lấy ra tờ 200 ngàn gấp phẳng phiu làm tư ra vuốt thẳng rồi trả tiền. Nhận tiền thối xong, anh kêu hai mẹ con ra chỗ xe trước, anh tranh thủ đi wc. Khi đó, tui mới để ý thấy là anh đi cà nhắc. Nhìn kỹ hơn thì là chân này đi dép, còn chân kia là chân giả. Một lúc sau anh cà nhắc đi ra chỗ để xe, rồi bằng một sự uyển chuyển có được nhờ rèn luyện nhiều lần, anh quay đầu chiếc xe wave cũ ra, lên xe xong, anh bế cô con gái lên ngồi trước để chị vợ thoải mái ngồi phía sau, rồi chạy xe đi.
Nhìn xuống tô bún đã ăn xong từ bao giờ, tui không còn thấy nóng ruột chờ đợi người bạn bận việc nữa mà ngược lại, lòng thầm cảm ơn vì tui đã có được cơ hội ngồi một mình để ngắm nhìn và ngưỡng mộ gia đình nhỏ vừa rời đi ấy.
Cuộc sống có những niềm vui tuy giản đơn với họ, nhưng đẹp diệu kỳ trong mắt tui. Mọi mệt mỏi của một ngày dài đối diện với màn hình máy tính như tiêu tan đi đâu mất, để lại trong tim một sự ấm áp giản dị và bình yên đến lạ. Lòng thầm mong cuộc sống của họ sẽ vẫn luôn giữ mãi tiếng cười khanh khách vô tư của bé con, sự quan tâm tinh tế nhưng thầm lặng của người cha/người chồng, ánh mắt hạnh phúc, yên vui của người vợ. Mong cho mọi điều tốt lành sẽ đến với gia đình nhỏ ấy.
Sài Gòn dẫu trời có trở lạnh đôi chút, vẫn ồn ào, bụi bặm và tất bật như vốn dĩ của nó, nhưng hình như vẫn luôn tình cảm và quấn quýt một góc nhỏ trong trái tim bé bé của tui, vì những điều bình dị như thế…
HCM, 15.12.18

Tết

Bốn mùa khởi đầu bằng mùa xuân và một năm bắt đầu bởi cái ngày được gọi là Tết. Tết, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, trong tâm thức của mình lại càng có ý nghĩa đặc biệt. 🙂

Nguồn InternetNguồn Internet

Hồi còn nhỏ, mong Tết để được nghỉ học nhiều ngày, được ăn mứt kẹo và được nhận tiền lì xì. Lớn thêm một tẹo, đón Tết với tư thế sẵn sàng phụ Mẹ việc này việc kia trước và trong ba ngày Tết. Đến giờ nhìn lại, Tết luôn là chuỗi ngày đoàn viên ấm cúng, cả gia đình sum vầy bên những tất bật chuẩn bị, bên mâm cỗ cúng, bên những bữa ăn với các món đặc trưng của ngày Tết. 🙂

Tết vui – ấm – đủ – đầy nên càng lớn lại càng muốn kéo dài thêm thời gian vui vẻ dường-như-còn-quá-ít-ỏi này trong vòng quay bận rộn của nhịp đời. Mỗi ngày Tết trôi qua lại thêm đồng cảm với những câu thơ trong “Vội vàng” của Xuân Diệu đã học ngày nào:

“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già”

Và mỗi khi đón Tết, lòng không tránh khỏi bồi hồi, bâng khuâng và rạo rực những nghĩ suy.

Tết đến là…

Thêm một tuổi ta,

Nhận được những lời chúc mang thông điệp chưa-hề-cũ về “niềm vui mới”.

Thêm một khởi đầu,

Để tạm biệt những điều đã qua và mở lòng để đón nhận những điều mới mẻ.

Thêm một cơ hội,

Cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống, con người và tình đời.

Thêm một trông ngóng,

Vào những điều tốt lành, may mắn, thuận lợi trong giai đoạn tới.

Thêm một nguyện cầu,

Gia đạo, thân hữu bình an, khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc dài lâu.

Thêm một hy vọng,

Đời sống và bản thân có những đổi thay tích cực, ngày càng tốt đẹp hơn.

Thêm một năm mới,

Để sống, để khám phá, để trải nghiệm và nhìn nhận.

Chào đón Tết, trọn vẹn với Tết, yêu Tết mỗi năm – như tình yêu đầu.

Ất Mùi – thật vui nhé! 🙂

Huế, 20.02.2015

Không cô đơn

Có những lúc đi một mình trên con đường đông đúc, nhộn nhịp giữa lòng thành phố lại thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Một cảm giác hơi lạc lõng giữa những luồn xe, tiếng ồn và bụi bặm. Muốn tìm về cái gần gũi và đầm ấm của gia đình. Tự nhiên thấy nhớ mẹ, nhớ Huế kinh khủng!

Có những lúc ở nhà một mình, ăn cơm một mình, thấy tự do là thế mà sao vẫn muốn có một chút ồn ào, một tiếng cười hay hát hò của ai đó cho không gian bớt rộng rãi. Không gian lặng yên – cái cớ cho những suy nghĩ vu vơ. Nghĩ xa nghĩ gần rồi thấy buồn buồn (kiểu như nỗi buồn không tên không tuổi ấy bà con à). Nhiều lúc vui vui nghĩ lại thấy những lúc đó sao mình rãnh rỗi mà nghĩ tùm lum đến thế nhưng rồi mọi chuyện vẫn tái diễn, ngộ không?

Có những lúc cảm thấy mỏi mệt, muốn kiếm ai đó cho mượn cái vai dựa vào chút chút mà nhìn quanh nhìn quất chỉ thấy mình ta với ta. Hì hì, thế là phải tự mình an ủi mình, động viên mình. Nhưng an ủi thế nào, động viên thế nào trong lòng vẫn cảm giác trống trải và cô đơn một chút chút. Thế là tự trách mình sao đa sầu, đa cảm thế!

Có đứa bạn gửi message kêu rằng thương mình vì thấy bạn Huyền hay buồn, sợ bạn Huyền thấy cô đơn, rồi an ủi mình. Lúc mới đọc thấy ngạc nhiên ghê, bạn đó với mình cũng ít nói chuyện mà sao tự nhiên viết thấy lạ lạ. Tự hỏi cái mặt mình thấy thảm lắm hay sao mà bạn ấy viết thế. Soi lại gương một chút, thấy cái mặt ốm đi một tẹo, đen đi một tẹo và nụ cười có méo mó hơn một tẹo. Đôi mắt thấy nó cũng hơi buồn (buồn ngủ ấy!), tóc tai rậm rạp hơn một chút… Đánh giá chung là “nhan sắc” có xuống cấp thiệt (–> quyết tâm cải thiện nhanh chóng!)

Đọc xong một cuốn sách tự nhiên hiểu ra một điều là “mình đang tự tạo áp lực tinh thần cho mình”. Có những chuyện sẽ có cách vượt qua mà mình cứ giữ mãi trong lòng. Và cô đơn thật sự là một điều xa lạ vì xung quanh mình luôn có những người bạn sẵn sàng chia sẻ, có chăng là mình cứ ôm khư khư một cục buồn và cục nghĩ to bự trong bụng thôi. Bỗng dưng nhớ ra một việc làm đơn giản mà mình vẫn làm hồi xưa (rồi lâu nay quên làm hồi nào không biết!) là mỗi sáng chào bình minh bằng một nụ cười!

Chưa bao giờ thấy mọi thứ thật sáng sủa và êm đềm đến thế, có lẽ bởi mới tìm ra một “chân lý” : Mình không cô đơn!

24.08.2007